CÂU HỎI MÔN ĐẠI CƯƠNG GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ

Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi ôn tập môn đại cương giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ dành cho các sinh viên, sinh viên cao học nhằm có cái nhìn tổng quan về môn học và định hướng theo nghề giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ.

>>>> XEM THÊM:

1. Phân tích các đặc điểm trí nhớ của trẻ KTTT. Cho ví dụ minh họa. Từ đó rút ra các kết luận sư phạm cần thiết.

Trả lời:

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận xét chung là trẻ chậm phát triển trí tuệ thường rất khó khăn trong việc ghi nhớ tài liệu học tập, nếu không có sự luyện tập thường xuyên thì trẻ sẽ quên hết mọi kiến thức đã học. Đó là hiện tượng chậm nhớ, chóng quên ở những trẻ này.

Quá trình ghi nhớ không chỉ phụ thuộc vào nội dung, tính chất của đối tượng cần nhớ, mà còn phụ thuộc vào động cơ, mục đích và phương thức hành động cá nhân.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ ghi nhớ máy móc tốt hơn ghi nhớ có ý nghĩa, chẳng hạn, do chỉ nhớ dấu hiệu bên ngoài các em cho rằng con chó cũng là con mèo vì đều có bốn chân và một số dấu hiệu bên ngoài gần giống nhau. Cũng do yếu về tư duy nên trẻ CPTTT có sự hạn chế về khả năng tìm ra những dấu hiệu cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng cần nhớ, đặc biệt là trong hoạt động học tập, trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn trong việc ghi nhớ những kiến thức. Từ đó, chất lượng trí nhớ của trẻ bị suy giảm nhiều và việc trẻ nhớ gián tiếp sẽ khó khăn hơn nhớ trực tiếp.

Nghiên cứu sự phát triển về trí nhớ hình ảnh của trẻ chậm phát triển trí tuệ các nhà tâm lý nhận thấy trí nhớ hình ảnh của trẻ cũng rất hạn chế. Ví dụ, khi cho trẻ xem một bảng lớn có vẽ 9 -10 đồ vật khác nhau và yêu cầu trẻ hãy nhớ vị trí của những đồ vật đó (thời gian xem là 5 phút). Sau đó, cất bảng đi và đặt câu hỏi cho trẻ “Trong bảng có vẽ những hình gì?” Trẻ  chỉ nêu được 3 hình vẽ trong bảng.

Ngoài ra, về trí nhớ ngôn ngữ của trẻ cũng gặp không ít những khó khăn, trẻ chỉ có thể ghi nhớ được 4-5 từ trong tổng số 10 từ mà cô giáo đọc cho trẻ nghe trong 6 lần với tốc độ đọc là mỗi từ một giây.

Phát triển trí nhớ và khắc phục sự quên cho các em chậm phát triển trí tuệ là một việc hết sức khó khăn, phức tạp. Để khắc phục dần những khó khăn cho trẻ chậm phát triển trí tuệ trong việc ghi nhớ, cần phải có các biện pháp đặc thù trong việc giáo dục và dạy dỗ trẻ. Trong tất cả các giờ học với trẻ cần phải chú ý đến việc phát triển các loại trí nhớ.

Những đứa trẻ có vấn đề cũng như những đứa trẻ phát triển bình thường khác đều có sự phát triển vượt trội của một số dạng trí nhớ và chúng tham gia vào hoạt động này hay hoạt động khác của trẻ với những mức độ khác nhau.

Các nhà sư phạm và những bậc phụ huynh cần phải là những nhà quan sát tinh ý để thấy được các loại (hình) trí nhớ nổi trội và cân nhắc đến điều này khi đưa vào hoạt động của trẻ những bài tập để bước đầu hình thành loại trí nhớ chủ đạo, sau đó phát triển các loại trí nhớ khác. Việc phát triển các loại trí nhớ cho phép hình thành và củng cố ở trẻ những tri giác hình ảnh thích hợp của thế giới hiện thực xung quanh. Và cái chính là tri giác những hình ảnh đa dạng là cơ sở để hình thành những khái niệm khái quát, linh hoạt hơn về vật thể và hiện tượng của môi trường xung quanh.

2. Phân tích các đặc điểm của trẻ tăng động giảm chú ý. Từ đó đưa ra những gợi ý hỗ trợ trẻ tại lớp học và tại gia đình.

Trả lời:

Đặc tính cơ bản của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một mô hình hằng định bao gồm sự giảm chú ý (inattention) và/hoặc trạng thái tăng động bồng bột (hyperactivity-impulsivity) xảy ra ở mức độ thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn những gì được thấy ở các cá nhân có cùng độ tuổi phát triển.
– Rối loạn tăng động giảm chú ý biểu hiện bằng 3 đặc trưng chính:
+ Giảm sự chú ý: biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành nên thường không hoàn thành tốt công việc. Thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác. 
+ Tăng hoạt động: biểu hiện bằng sự hoạt động quá mức, đặc biệt trong những hoàn cảnh đòi hỏi có sự yên tĩnh. Trẻ thường chạy nhảy liên tục, hoặc đứng dậy khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức và làm ồn ào, hoặc cựa quậy không ngừng trong khi ngồi. 
+ Thiếu kiềm chế: biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, sự coi thường các quy tắc xã hội một cách xung động là nét đặc trưng của trẻ có rối loạn này.
– Đặc điểm nổi bật của rối loạn này là người bệnh không thể duy trì sự tập trung chú ý cần thiết vào một sự vật, một chủ đề, một công việc nào đó. Điều này dẫn đến hậu quả là xuất hiện những triệu chứng tăng vận động, người bệnh luôn hoạt động nhưng lại không thể hoàn tất một công việc nào đó khi được yêu cầu, được giao phó. Trẻ mắc rối loạn này thường được xem là những đứa trẻ cứng đầu, bướng bỉnh, quậy phá, không nghe lời, làm cho những người xung quanh hết sức mệt mỏi, ở tuổi đến trường rất khó hoà đồng với các bạn bè cùng trang lứa.
– Từ 3 – 7% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc rối loạn này, trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ. Tỷ lệ từ 2,5 đến 5,6 trẻ nam trên một trẻ nữ.

3. Trình bày đặc điểm tư duy của trẻ KTTT. Cho ví dụ minh họa. Từ đó rút ra các kết luận sư phạm cần thiết.

Trả lời:

Trong tâm lý học có bốn dạng tư duy cơ bản: trực quan-hành động (hình thành vào lúc trẻ 2,5-3 tuổi), tư duy trực quan-hình ảnh (hình thành vào lúc trẻ 3,5-4 tuổi), tư duy trực quan-sơ đồ (hình thành vào lúc trẻ 5-5,5 tuổi) và tư duy ngôn ngữ -lôgic (hình thành vào lúc trẻ từ 5,5-6 tuổi đến 7-8 tuổi).

Nếu tư duy trực quan hình ảnh cho phép trẻ khái quát hoá hoặc chia nhóm các đối tượng dựa trên những đặc điểm cơ bản và cả thứ yếu, thì tư duy trực quan – sơ đồ cho phép xác định các tiêu chí cơ bản của tình huống và các đặc điểm đặc trưng của các đối tượng và trên cơ sở đó mới tiến hành khái quát hoá và chia nhóm chúng. Nhưng khả năng đó ở trẻ chỉ diễn ra trong trường hợp nếu đối tượng đó tồn tại ở bình diện bên ngoài, ở dạng sơ đồ hoặc mô hình. Những dạng tồn tại đó giúp trẻ tách được những dấu hiệu cơ bản khỏi những cái thứ yếu. Nếu trẻ có thể rút ra được khái niệm trên cơ sở mô tả sự vật và hiện tượng, nếu quá trình tư duy diễn ra ở bình diện bên trong và trẻ thậm chí không dựa vào sơ đồ bên ngoài hệ thống hoá các đối tượng đúng, khi đó chúng ta đang nói về sự hiện diện của tư duy ngôn ngữ lôgic.

Ở trẻ mẫu giáo lớn trong một chừng mực nào đó tất cả các dạng tư duy đều phát triển, chính vì vậy việc chẩn đoán tư duy của trẻ trở nên rất phức tạp. Ở thời kỳ này tư duy trực quan – hình ảnh và tư duy sơ đồ là phát triển hơn cả nên các nhà nghiên cứu tập trung chú ý khảo sát và chẩn đoán – đánh giá mức độ phát triển của chúng đặc biệt là đối với những trẻ có vấn đề trong hoạt động nhận thức.

Các công trình nghiên cứu khác nhau về hoạt động nhận thức của trẻ em chậm phát triển trí tuệ đã rút ra ba đặc điểm nổi bật về tư duy:

+ Tư duy mang tính cụ thể – trực quan, yếu về khái quát hóa;

+ Thiếu tính liên tục trong tư duy

+ Yếu vai trò điều chỉnh của tư duy.

Tư duy cụ thể trực quan, yếu về khái quát hoá là đặc điểm đầu tiên về tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình học tập của trẻ, nhiều em khi thực hiện nhiệm vụ phân loại đối tượng, quan sát tranh thường đưa ra những nhận xét không đúng về bản chất đối tượng. Ví dụ, các em đã xếp con bướm và hoa thành một nhóm, mèo và chuột thành một nhóm, khi giáo viên hỏi tại sao xếp như vậy, các em đã giải thích rằng bướm thường đậu trên hoa, mèo thường vồ chuột.

Điều đó chứng tỏ tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ chỉ mang tính cụ thể trực quan và chỉ dừng lại ở phạm vi hình ảnh quan sát riêng lẻ. Các em rất khó khăn trong việc nắm bắt những đặc điểm chung cơ bản nhất cho mọi đối tượng.

Tư duy của trẻ chậm phát triển trí tuệ thường thiếu tính liên tục. Trong quá trình học tập, một số học sinh khi giải quyết nhiệm vụ có những biểu hiện: lúc mới bắt đầu giải quyết nhiệm vụ thường đưa ra kết quả đúng, nhưng sau một thời gian ngắn thì để lại sai sót càng ngày càng nhiều; trẻ ít chú ý đến công việc, chóng mệt mỏi. Những trẻ này khi giải quyết những nhiệm vụ ở nhà thường cho kết quả đúng nhưng khi ở lớp học thường đưa ra những câu trả lời thiếu suy nghĩ, không phù hợp với nội dung. Có một số em tỏ ra chăm chỉ, cố gắng học tập, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều giáo viên lầm tưởng đây là những học sinh có khả năng học tập tốt nên đã giao nhiệm vụ nhiều hơn. Do hiểu không đúng nên đã làm cho những em này học càng kém hơn.

Nguyên nhân hiện tượng này, theo Páplốp, là do trương lực thần kinh của trẻ bị yếu làm cho sự chú ý của trẻ không ổn định, thường xuyên dao động, làm cho trẻ không đủ khả năng tập trung suy nghĩ lâu về một đối tượng nào đó (hiện tượng này được thể hiện ở trẻ bị viêm não và tật động kinh).

Hiện tượng yếu vai trò điều chỉnh tư duy được thể hiện ở chỗ khi giao nhiệm vụ thì trẻ làm ngay hoặc giáo viên vừa nêu câu hỏi trẻ đã giơ tay xin trả lời, không có sự suy nghĩ; nghĩa là thiếu giai đoạn định hướng nên kết quả bao giờ cũng có sai sót và phải làm đi làm lại nhiều lần, những trẻ này ít khi nào nhận ra được sai lầm của bản thân.

Trên cơ sở những đặc điểm về sự phát triển tư duy của trẻ CPTTT cần phải đặt ra nhiệm vụ nhằm phát triển tư duy cho trẻ. Một trong những nội dung của công việc này đó là hình thành tư duy là hướng vào sự phát triển hành động có định hướng và tính tích cực trong nhận thức, vào mối liên hệ giữa các thành tố chính của hoạt động có tư duy như: mối liên hệ giữa hành động, ngôn từ và hình ảnh.

Hình thành tư duy được coi là quá trình biện chứng thống nhất nơi mà mỗi loại tư duy đều là một thành tố cấu thành thiết yếu của toàn bộ quá trình tư duy chung.

Các giờ học hình thành tư duy được chia thành các hướng sau:

– Xây dựng ở trẻ tiền đề để phát triển tư duy trực quan thực tế.

– Hình thành hoạt động có mục đích công cụ trong quá trình thực hiện (tiến hành) các giờ học thực hành và vui chơi.

– Hình thành khái niệm khái quát về các đồ vật trợ giúp và dụng cụ cố đinh chặt chẽ của những môn học này; cho trẻ làm quen với những tình huống thực tiễn có vấn đề.

– Hình thành kỹ năng phân tích những tình huống này và dạy cách sử dụng các vật thể thay thế.

– Hình thành phương thức định hướng trong điều kiện thực tiễn có vấn đề và cách giải quyết chúng.

– Hình thành phương pháp thử như là phương pháp cơ bản giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn có vấn đề và tổng kết kinh nghiệm này bằng lời.

– Hình thành ở trẻ tư duy trực quan sinh động.

– Hình thành ở trẻ kỹ xảo phân biệt đồ vật theo hình ảnh, ngôn từ một cách tự giác.

– Dạy cho trẻ biết cách giải quyết những bài tập lôgíc đơn giản.

Nói tóm lại, giờ học hình thành tư duy ở trẻ được tiến hành theo các định hướng sau: hình thành tư duy trực quan thực tế, tư duy trực quan sinh động và các yếu tố của tư duy lôgíc.

Nhà bác học L.X.Vưgốtxki đã có những nhận xét và đề xuất phương hướng phát triển tư duy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ mang ý nghĩa và nội dung vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác giáo dục. Theo ông trẻ chậm phát triển trí tuệ  có khả năng tư duy trừu tượng kém,  từ đó các nhà sư phạm đã đưa ra kết luận có vẻ như là đúng đắn rằng trong việc dạy học cho nhóm trẻ này cần phải dựa vào tính trực quan. Như vậy có nghĩa là hệ thống dạy học hoàn toàn dựa trên tính chất trực quan. Việc làm này chẳng những không giúp trẻ khắc phục được những khiếm khuyết tự nhiên, mà còn củng cố thêm khiếm khuyết ấy, làm cho trẻ hoàn toàn quen với tư duy trực quan, và chôn sâu những mầm mống yếu ớt của tư duy trừu tượng có ở những trẻ em này. Điều đó cho chúng ta thấy được rằng, trong quá trình dạy học các nhà sư phạm đã chỉ dựa vào điểm yếu của trẻ CPTTT và thức đẩy chúng đi theo hướng đó, phát triển ở trẻ chính các khuyết tật mà chúng mắc phải. Như vậy, trẻ sẽ vĩnh viễn  mất đi cơ hội phát huy những khả năng còn lại của mình.

Để dạy được cách khái quát cần phải sử dụng các phương tiện đặc biệt trong dạy học. Giáo viên phải hiểu rõ môi trường, năng lực và sự hạn chế của đứa trẻ, tìm cách vứt bỏ dần các biểu tượng cụ thể, riêng lẻ, tiến đến mức độ nhận thức cao hơn, đó là khái quát, tư duy bằng ngôn ngữ; phải cải tiến nội dung và phương pháp dạy học, nhằm mục đích phát triển tư duy lôgích và tưởng tượng sáng tạo; vận dụng phương pháp trực quan trong dạy học nhưng phải có giới hạn, không được lạm dụng; tập cho các em quen dần cách phân tích sự vật, hiện tượng cách khái quát và rút ra kết luận; luyện tập báo cáo lại những gì đã nghe, đã thấy, đã làm và ý nghĩa của nó; đọc truyện, tham quan, quan sát là những hình thức tổ chức hoạt động để phát triển tư duy cho trẻ; chọn các loại truyện giúp cho sự phát triển tư duy cho trẻ, như truyện tranh liên hoàn, trả lời các câu đố.v.v giúp cho trẻ phát triển tư duy để học tập có kết quả các môn học phổ thông.

Những nguyên nhân học kém trên giờ học ở trường mầm non và phổ thông không chỉ liên quan đến những tổn thương trí tuệ (trì trệ và chậm phát triển), mà còn liên quan tới một vài đặc điểm cá thể của trẻ – tính xung động và chính điều này đã dẫn đến việc trẻ thiếu sự định hướng trong bài tập, không có kỹ năng tập trung chú ý và không có kỹ năng tổ chức hoạt động, bất an và thiếu tự tin. Tất cả những vấn đề này không liên quan đến tư duy nhưng chúng gây khó khăn cho trẻ trong việc học, lắng nghe giáo viên và thực hiện những nhiệm vụ của mình.

4. Phân tích các đặc điểm của trẻ mắc hội chứng Down. Từ đó đưa ra những gợi ý hỗ trợ trẻ tại lớp học và tại gia đình.

Trả lời:

Khi mắc hội chứng Down, trẻ có các đặc điểm thể chất đặc trưng, dễ dàng nhận biết:

– Mắt: mắt xếch, có thể bị lác, hơi sưng và đỏ; mí mắt lộn, có nếp gấp da phủ trong mí mắt; lòng đen có nhiều chấm trắng đỏ giống hạt cát – thường biến mất khi trẻ từ đủ 12 tháng tuổi.

– Vóc dáng: vóc người nhỏ, cổ ngắn, đầu nhỏ.

– Tay: bàn tay ngắn, to; trung tâm lòng bàn tay xuất hiện nếp gấp đơn sâu; ngón tay ngắn, ngón út thường khoèo.

– Chân: bàn chân phẳng; ngón chân chim với ngón cái tòe ra; khoảng cách giữa ngón chân cái với ngón chân thứ hai lớn.

–  Miệng: miệng luôn há và trề ra; vòm miệng cao; lưỡi dày và thè ra ngoài.

– Mũi: nhỏ và tẹt.

– Tai có hình dạng bất thường.

– Khớp: các khớp tại khủyu, gối, háng, cổ chân lỏng lẻo.

– Trương lực cơ bắp.

– Không phát triển cơ quan sinh dục. Vô sinh.

– Thiểu năng trí tuệ.

Các đặc điểm nhận dạng bên ngoài của trẻ có hội chứng Down:

• Hộp sọ có hình dạng khác biệt: đầu ngắn, đường kính của hộp sợ ngắn.

• Tóc mỏng, thẳng và thưa.

• Biểu hiện trên mặt: Mặt tròn, mũi tẹt, có nếp quạt (Là một nếp gấp hình bán nguyệt ở da che lấy khóe trong của mắt), tai nhỏ

• khóe mắt ngoài cao hơn khóe mắt trong; rung giật nhãn cầu (cử động nhãn cầu của mắt sang hai bên nhanh và khó tự chủ);

• Luôn há miệng nhỏ (lưỡi thè ra ngoài), tai nhỏ.

• Gáy mỏng và dẹt.

• Bàn chân thẳng, ngón chân chim, ngón chân cái tòe ( ngón chân cái chõe ra, khoảng cách giữa ngón chân cái và ngón chân thứ 2 khá xa). Khớp háng, cổ chân, khuỷu lỏng lẻo.

• Bàn tay ngắn, to, các ngón tay ngắn, ngón út thường khoèo (ngón út quặp vào trong vì đốt giữa của ngón út có hình tam giác), đường vân tay kéo dài qua bốn ngón tay.

• Trương lực cơ giảm và các khớp lỏng, Khả năng học tập chậm.

– Điều trị toàn diện, ở nhiều cơ quan cùng một lúc.

– Hỗ trợ phát triển nhận thức, trí nhớ, khả năng tư duy bằng việc cho trẻ theo học tại trường hợp chuyên biệt, giúp con hòa nhập với cộng đồng, tham gia vào mạng lưới gia đình có trẻ mắc bệnh Down để cùng nhau hỗ trợ…

Các phương pháp dùng tế bào gốc để điều trị Down vẫn đang được nghiên cứu để cải thiện vấn đề tâm thần, vận động, ngôn ngữ… ở trẻ, hi vọng sẽ có tín hiệu tích cực trong tương lai gần.

Trên tất cả, trẻ Down cần được quan tâm, chăm sóc, yêu thương và hỗ trợ không chỉ từ cha mẹ mà còn từ cộng đồng.

Nếu con bạn mắc hội chứng Down, có thể ban đầu bạn cảm thấy con thua thiệt, cảm thấy tội lỗi và xen phần sợ hãi. Nói chuyện với cha mẹ của các cháu khác cùng hoàn cảnh có thể giúp bạn vượt qua cú sốc ban đầu, sự đau buồn và tìm cách hướng tới tương lai. Hãy tìm hiểu về hội chứng Down để giảm bớt sợ hãi và thêm vững vàng hơn.

Trẻ bị hội chứng Down vẫn có thể hòa nhập tốt với các bạn cùng trang lứa. Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp các dịch vụ can thiệp càng sớm càng tốt. Những phương pháp trị liệu về thể chất, phát âm, vận động… kết hợp với những biện pháp giáo dục ngay từ khi trẻ còn nhỏ có thể giúp trẻ phát triển nhanh hơn.Việc lựa chọn trường cho con cũng là một lựa chọn rất khó khăn. 

Một số trẻ bị Hội chứng Down phải cần đến những chương trình đặc biệt dành riêng cùng với những phương pháp chăm sóc y tế đặc biệt; nhưng cũng có rất nhiều trẻ có thể đi học tại trường bình thường và hòa nhập tốt với các bạn bình thường khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng như vậy không chỉ giúp ích cho các trẻ bị hội chứng Down mà cả những trẻ bình thường. 

Thực tế cho thấy rằng ngày nay, nhiều trẻ bị hội chứng Down đã đến trường và cùng tham gia những hoạt động với những trẻ đồng trang lứa, một số còn vào đại học và có cuộc sống phần nào tự lập được.

CÂU HỎI ÔN TẬP MÔN PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ VÀ GIAO TIẾP CHO TRẺ KTTT

1. Phân tích các đặc điểm sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ khuyết tật trí tuệ.

2. Lập kế hoạch phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ T trong vòng 03 tháng dựa trên mô tả sau:

“T hiện 30 tháng tuổi. Ngôn ngữ tiếp nhận của T tương đương với trẻ 12 tháng tuổi. Con hiểu và thực hiện được một số yêu cầu đơn giản, thường xuyên xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày như: ngồi xuống, ra đây… Tuy nhiên những yêu cầu như chỉ, lấy, đưa… có liên quan đến nhận thức (như nhận biết bộ phận cơ thể, nhận biết con vật, đồ vật…) thì con chưa thực hiện được. Ngôn ngữ diễn đạt của T tương đương với trẻ 11 tháng. T có thể phát âm aa… Mỗi lần con muốn gì đó con sẽ nói aa… Con ít phát âm và không chịu phát âm theo khi cô làm mẫu. Con chưa chủ động thể hiện nhu cầu hay mong muốn của mình bằng lời nói hay cử chỉ điệu bộ”.

3. Phân tích các nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ khuyết tật trí tuệ.

4.D là một trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ nặng. Hiện D 3 tuổi. D chưa có sự chú ý đến mọi thứ xung quanh. Khả năng tập trung của D rất kém, con mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ được khoảng 1-2 phút. Thậm chí với hoạt động con không thích, chỉ được vài giây là D chạy đi chỗ khác. D chưa phát âm được âm nào, chưa nói được từ nào mà mới chỉ phát ra các âm vô nghĩa như mê mê mê, chi bi chi bi.

Anh /chị hãy lập kế hoạch phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho D trong thời gian 3 tháng tới.

Trên đây Tingenz.com chia sẻ các câu hỏi và câu trả lời cụ thể ở một số bài mong rằng các cô sẽ nắm chắc kiến thức để tham gia các kỳ thì tốt sắp tới và hành trang sau này giảng dạy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *