Bài học các buổi trong ngày dành cho bé

Trong chủ đề giao tiếp về thời gian và thời tiết này chúng ta tập trung vào phát triển khả năng tiếp nhận và diễn đạt của học sinh về các nội dung:

  • Các buổi trong ngày;
  • Các ngày trong tuần;
  • Hôm qua, hôm nay, ngày mai;
  • Các mùa trong năm
  • Thời tiết: nắng, mưa, gió, bão, lũ lụt, mát, nóng, lạnh, ấm.

Các khái niệm về thời gian là các khái niệm trừu tượng, rất khó đặc biệt đối với học sinh khiếm thính. Chính vì vậy, để giúp trẻ tiếp cận, hiểu và sử dụng được các khái niệm này trong giao tiếp, cần hướng dẫn các em theo cách gắn các khái niệm này với các biểu tượng và sự việc cụ thể, trong các tình huống khác nhau. Chẳng hạn, khái niệm buổi sáng, buổi chiều và buổi tối có thể gắn với biểu tượng mặt trời mọc, mặt trời lặn và đêm tối (với trăng, sao); hoặc khái niệm hôm qua, hôm nay và ngày mai có thể gắn với các sự việc và hoạt động diễn ra trong sinh hoạt và học tập của trẻ.

>>> XEM THÊM:

Mục tiêu bài học

Sau bài học về các buổi trong ngày, học sinh lớp 1 có khả năng:

  • Kể tên các buổi trong ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối.
  • Diễn đạt về một vài hiện tượng và hoạt động diễn ra theo các buổi trong ngày.
Dạy bé về thời gian các buổi trong ngày là rất quan trọng
Dạy bé về thời gian các buổi trong ngày là rất quan trọng

Ví dụ:

+ Mặt trời mọc buổi sáng

+ Buổi sáng bé đi học.

+ Buổi tối cả nhà đi ngủ

Chuẩn bị giáo cụ

Để bài học trở nên sinh động, dễ hiểu thì giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ giáo cụ học tập phù hợp với chủ đề các buổi trong ngày như:

Tranh/ảnh minh họa các buổi trong ngày; Chẳng hạn, tranh buổi sáng mặt trời mọc, gà gáy; buổi trưa nắng gắt, người ngồi nghỉ dưới bóng cây; buổi chiều mặt trời lặn; buổi tối thắp đèn và có trăng, sao.

Các hoạt động bài học các buổi trong ngày

Mở hội thoại

Treo tranh các buổi trong ngày bên cạnh nhau, theo thứ tự tranh buổi sáng đến tranh buổi tối.

Hỏi học sinh trong lớp về nội dung các bức tranh. Lớp và học sinh nhận xét, sau đó giáo viên giới thiệu: “Đây là tranh về các buổi trong ngày, gồm: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối”.

Hoạt động thường ngày của bé ứng với thời gian trong ngày
Hoạt động thường ngày của bé ứng với thời gian trong ngày

Phát triển hội thoại

Hoạt động 1:

Giáo viên cất các tranh minh họa trên bảng, chỉ giữ lại tranh buổi sáng. Giáo viên trao đổi với học sinh về các hiện tượng có vào buổi sáng bằng các câu hỏi gợi ý: “Buổi sáng mặt trời như thế nào?” (mặt trời mọc và lên cao dần); ‘Con gì gáy vào buổi sáng?’ (Gà trống gáy buổi sáng); “Mọi người làm gì?” (thức dậy, rửa mặt, ăn sáng, đi làm);…

Tiếp tục trao đổi với học sinh với câu hỏi: “Em làm gì vào buổi sáng?”

Hoạt động 2:

Giáo viên treo tranh buổi trưa lên bảng, trao đổi với học sinh về buổi trưa với các câu hỏi tương tự ở hoạt động 1: “Buổi trưa mặt trời như thế nào?” (Mặt trời chiếu thẳng đứng); “Trưa nắng đi ngoài đường thì như thế nào?” (nóng, đổ mồ hôi, …); “Mọi người hay làm gì vào buổi trưa?” (ăn cơm, nghỉ ngơi, ngủ trưa,…).

Tiếp tục trao đổi với học sinh với câu hỏi: “Em làm gì vào buổi trưa?”

Hoạt động 3:

Treo tranh buổi chiều lên bảng, trao đổi với học sinh với các câu hỏi gợi ý: “Buổi chiều mặt trời như thế nào?” (Mặt chếch về phía tây rồi lặn dần); “Mọi người làm gì?” (mọi người đi làm, mặt trời lặn thì về nhà).

Tiếp tục trao đổi với học sinh với câu hỏi: “Em làm gì vào buổi chiều?”

Hoạt động 4:

Treo tranh minh họa buổi tối và trao đổi với học sinh với các câu hỏi gợi ý: “Buổi tối bầu trời như thế nào?” (trời tối, hay có trăng, sao,..); “Mọi người làm gì vào buổi tối” (bật đèn, ăn tối, xem tivi, đi ngủ,…)

Tiếp tục trao đổi với học sinh với câu hỏi: “Em làm gì vào buổi tối?”

Hoạt động 5:

Tổ chức cho học sinh chơi trò chơi ‘trời sáng, trời tối”: khi giáo viên nói “trời tối”, học sinh đồng thanh ‘đi ngủ’ (cúi đầu, lấy hai tay che mặt); khi giáo viên nói ‘trời sáng”, học sinh đứng dậy, vươn vai, gáy ò ó o.

Kết thúc hội thoại

Giáo viên sắp xếp bốn bức tranh minh họa các buổi trong ngày không theo thứ tự thời gian, yêu cầu lần lượt một vài học sinh lên sắp xếp lại theo trật tự thời gian trong ngày, sau đó chỉ tranh diễn đạt đúng tên các buổi trong ngày.

Hoạt động của bé theo thời gian trong ngày
Hoạt động của bé theo thời gian trong ngày

Giáo viên hỏi học sinh thêm về các hoạt động chính của lớp theo các buổi trong ngày.

Giáo viên tổ chức nhận xét về bài học:

+ Những bạn nào trình bày tốt?

+ Những bạn nào cần chú ý tập trung hơn?

Trước khi kết thúc bài học giáo viên tổ chức tổng kết và dặn dò học sinh ôn tập.

Trên đây, Tingenz.com đã chia sẻ giáo án bài học các buổi trong ngày trong chuỗi seri bài dạy về chủ đề thời gian và thời tiết. Bài học này được soạn thảo bởi các giáo viên giàu chuyên môn và đã được áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao trong học tập. Các giáo viên, phụ huynh có thể tham khảo, áp dụng phù hợp cho học sinh của lớp mình để đạt hiệu quả cao nhất. Chúc cô trò có buổi học vui vẻ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *