Cô ơi, con em không biết chỉ tay, làm sao để em dạy con được ạ? Đây là thắc mắc lớn của phụ huynh khi con trẻ bị tự kỷ. Nhưng bố mẹ đừng lo, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách dạy trẻ tự kỷ chỉ tay đúng và nhanh nhất.
>>> XEM THÊM:
- Biện pháp can thiệp trẻ khuyết tật trí tuệ và những khó khăn
- Tìm hiểu về trường học hòa nhập trẻ khuyết tật
- Trẻ có nhu cầu đặc biệt và cách chăm sóc
Chỉ tay bao gồm có 2 cấp độ chỉ tay đó là:
Cấp độ 1: Chỉ tay gần hay là chạm vào đồ vật.
Cấp độ 2: Chỉ tay xa – cách xa đồ vật.
Đối với các con khi mới bắt đầu tập chỉ tay thì chúng ta sẽ dạy cấp độ 1 trước, tức là dạy cho con chỉ gần sát hoặc là chạm tay vào đồ vật cần chỉ. Trước đây khi cô dạy cách chỉ tay, cách đầu tiên mà cô áp dụng là:
CẤP ĐỘ 1: CHỈ TAY GẦN
1. Cầm tay con và hướng dẫn chỉ.
Ôm con ngồi vào trong lòng, dưới sàn nhà, lấy bảng ráp số (đồ chơi mà con thích nhất) để trước mặt và hỏi:
Cô: Số 1 đâu Pin?
Con chưa biết nói và cũng chưa biết chỉ nên cô cầm ngón tay trỏ của con chỉ vào số 1 và nói:
Cô: Số 1 đây nè! (có thêm từ cảm thán cho dễ nhớ)
Cứ như vậy, lần lượt hỏi thêm nhiều số khác và vẫn cầm tay con chỉ. Sau đó cô sẽ buông dần tay con, để con tự chỉ, có thể con sẽ chỉ sai nhưng ngay lập tức cô nhanh chóng hỗ trợ con chỉ đúng tay về vị trí cũ.
2. Chơi trò chơi vẽ bằng ngón tay với màu nước.
Cô pha màu nước và dùng giấy A4 có vẽ sẵn những nhánh cây, sau đó cho con sử dụng ngón trỏ ấn màu nước tạo thành những bông hoa hay những chiếc lá. Có thể hơi dơ một chút nhưng chúng ta hãy cùng con tạo ra những hoạt động thú vị gây hứng thú cho con. Cũng có thể vẽ trên giấy A4 những hình giống nhau và giúp con sử dụng ngón trỏ di màu đến đúng các vị trí của hình.
3. Chơi trò chơi có sử dụng ngón trỏ như:
Chi chi chành chành Một ngón tay nhúc nhích Thụt thò, thò thụt.
4. Chơi trò chơi ấn đất sét bang ngón trỏ.
Giúp con ấn đất sét bằng ngón trỏ tạo ra sự thuần thục và phản xạ quen thuộc
5. Đánh dấu bằng sự đặc biệt.
Cô vẽ hình mặt cười, hình hoa, hình đặc biệt nào đó vào ngón trỏ của cô và của con, sau đó mỗi khi cô muốn con chỉ vào đồ vật nào đó cô hãy ra hiệu cho con sử dụng ngón đặc biệt đó để làm
6. Sờ chạm.
Hãy cho con chỉ những vật có thể chạm tới, bất cứ những gì dạy con hãy đảm bảo thật gần gũi, quen thuộc và cần thiết để giúp con vận dụng và thực hành hàng ngày vào cuộc sống
7. Chỉ vào các bộ phận cơ thể.
Cho con chơi với màu nước khi con chỉ vào các bộ phận cơ thể, và mỗi lần chỉ hãy đảm bảo chỉ ít và đạt hiệu quả.
8. Chỉ vào con và người ngồi đối diện.
Hãy hỏi con:
Con đâu? (Minh đâu?)
Cô đâu? (Mẹ đâu?)
9. Chỉ vào đồ dùng gia đình.
Mẹ hãy dắt con lại từng đồ vật và hỏi con, đảm bảo con chạm vào đồ vật đó được.
Ví dụ như: Ti vi, tủ lạnh, bàn, ghế, chén, vv…..
10. Chỉ vào hình ảnh.
Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh trên tường, trong sách, hoặc vẽ vào tập, vẽ lên tay của con cho con chỉ.
CẤP ĐỘ 2: CHỈ TAY XA
Sau khi dạy cho con chỉ tay khá tốt ở cấp độ 1 là gần và chạm thì chúng ta chuyển sang cấp đồ 2, chỉ xa. Việc chỉ tay xa đối với các con khó hơn việc chỉ gần, vì đòi hỏi ánh mắt các con phải dõi theo đúng hướng chỉ tay. Tuy nhiên bất cứ cái gì cũng có thể làm được nếu như chúng ta đủ kiên trì luyện tập.
1. Để đồ dùng của con ở những nơi xa tầm với của con
Đặc biệt đồ chơi mà con thích, con không thể với tới được, lúc đó yêu cầu con cần phải chỉ đồ vật mà con muốn thì chúng ta mới đáp ứng.
2. Chỉ xa dần.
Lúc đầu ba mẹ hãy để những vật muốn con chỉ ở cách xa con khoảng chừng 40 cm, đảm bảo khoảng cách rất gần nhưng tay con chỉ không tới được và yêu cầu con chỉ. Cứ như vậy tăng dần khoảng cách giúp con dễ dàng thích nghi hơn với việc sử dụng tay và mắt dõi theo hướng đồ vật.
3. Học qua hình vẽ.
Hãy vẽ minh họa hình ngón tay và đồ vật cần chỉ với khoảng cách phù hợp để giúp con dễ hình dung hơn.
4. Chú ý hướng chỉ tay xa.
Linh hoạt chỉ các hướng trên, dưới, phải, trái cho con thuần thục
Trên đây, TinGenz đã chia sẻ cách dạy trẻ tự kỷ chỉ tay theo 2 cấp độ với nhiều cách thực hiện để giáo viên, phụ huynh có thể áp dụng. Các cách này đã được áp dụng trong thực tế và đạt được hiệu quả cao, mong rằng bé của bạn sẽ thích ứng học hỏi nhanh.