Bài tập về giác quan xúc giác giúp trẻ khiếm thị định hướng di chuyển

Trẻ khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng di chuyển và thích ứng môi trường xung quanh. Khi trẻ khó khăn trong việc di chuyển thì cảm thấy khó chịu, không an toàn từ đó trẻ hay mất tự tin trong các hoạt động hoặc có thể gây ra tự kỷ cho trẻ. Vì vậy, Cần có những bài tập xúc giác giúp trẻ khiếm thị định hướng di chuyển, nhằm bù đắp sự khiếm khuyết các giác quan cho trẻ.

>>> XEM THÊM:

1. Giới thiệu chung

Bài tập này đã được áp dụng cho trẻ khiếm thị đang học lớp khiếm thị 2 tại trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội.

– Độ tuổi của các bé từ 6-10 tuổi.

– Lớp có 10 bạn khiếm thị

– Tình trạng thị lực, cụ thể:

  • 5 bạn mất thị lực hoàn toàn do bẩm sinh
  • 3 bạn thị lực còn 2/10 do bệnh về mắt
  • 2 bạn thị lực 1/10 do tai nạn

2. Thế nào là định hướng di chuyển?

Định hướng di chuyển là khả năng sử dụng các giác quan còn lại để xác định vị trí của mình ở một không gian nhất định; tìm hiểu và quyết định hướng đi, đi từ vị trí cố định hiện tại đến vị trí mong muốn khác một cách an toàn, chính xác và thoải mái.

3. Vai trò của các giác quan xúc giác đối với trẻ khiếm thị trong việc định hướng di chuyển

Đối với trẻ khiếm thị, xúc giác là một giác quan cực kỳ quan trọng; sử dụng xúc giác là một cách tiếp xúc với thế giới trực tiếp và có ý nghĩa cao. Xúc giác có thể phản ánh hầu hết các thuộc tính không gian, thời gian và các tính chất của vật thể thay thị giác.

4. Những khó khăn mà trẻ khiếm thị thường gặp khi định hướng di chuyển

Trẻ khiếm thị gặp nhiều hó khăn trong di chuyển, chúng ta các phân tích sâu những khó khăn để khắc phục dần dần, bao gồm:

  • Di chuyển khó khăn, chậm chạp. Từ đó, trẻ khiếm thị ít hoặc lười đi lại, lười vận động di chuyển.
  • Tư thế đi đứng sai hoặc không đẹp (thường hếch mặt lên trời, hoặc cúi mặt xuống, hai chân đá về hai bên, tay vung vẩy khi đi,…).
  • Do tri giác về thế giới xung quanh không đầy đủ nên ảnh hưởng xấu đến biểu tượng của trẻ mù. Biểu tượng của trẻ mù thường mang tính chất: khuyết lệch, đứt đoạn, sơ sài, mức độ khái quát thấp.
  • Tình trạng mỏi mắt, nhức mắt, chảy nước mắt thường xuyên xảy ra dẫn đến trẻ tập trung kém, trong thời gian ngắn.
  • Không lường trước được: khung cảnh, khoảng cách, số lượng đối tượng, đặc điểm tâm lí của đối phương khi giao tiếp.
  • Khó nắm bắt kịp nội dung lời nói của người khác, thiếu hình ảnh thị giác dẫn tới hiểu sai ý hoặc thiếu chính xác.
  • Không nhớ đƣợc các lộ trình đã từng đi qua.

5. Nội dung bài tập rèn luyện xúc giác cho trẻ khiếm thị định hướng di chuyển

5.1. Bài tập 1: Sử dụng các thế tay an toàn

Mục đích: Đây là cách sử dụng các tư thế của tay để đảm bảo an toàn cho cơ thể khi di chuyển.

a. An toàn ngang

Các bước thực hiện:

  • Cánh tay và cổ tay song song với nền nhà, đưa bàn tay về phía trước ngang vai, cách 20 – 25cm.
  • Các ngón tay khép lại, lòng bàn tay hướng về phía trước, đầu và các ngón tay phải đủ che bờ vai bên kia.
  • Phản ứng nhanh, có đủ sức, cần kịp thời ở các đầu ngón tay.

Công dụng:

  • Thăm dò, kiểm tra khi nghi ngờ hoặc có cảm giác gặp chướng ngại vật.
  • Đi ngang qua cửa.
  • Đi vào chỗ không quen thuộc.
  • Tìm những vật dụng thông thường có tầm cao ngang vai như: tủ, kệ,…

b. An toàn dưới

Các bước thực hiện:

Cánh tay duỗi thẳng xuống giữa người, lòng bàn tay hướng ra ngoài, các ngón tay khép lại, cách người 20 – 25cm.

Công dụng:

  • Che chở phần dưới cơ thể khi nghi ngờ có chướng ngại vật thấp.
  • Tìm những mục tiêu thấp ngang tầm cánh tay bỏ thõng xuống như đầu giường, bàn, ghế,…

c. An toàn trên

Các bước thực hiện:

  • Lòng bàn tay hướng ra ngoài, đầu ngón tay giữa chạm vào mí tóc ở trán.
  • Đưa tay ra cách mặt 20 – 25cm, các ngón tay khép lại và hướng lên trời.

Công dụng:

  • Che mặt tránh vật lơ lửng như cành cây, cửa sổ đang mở,…
  • Tìm các mục tiêu vừa mặt như: dây phơi, …
  • Tìm vật rơi khi cúi xuống.

Do mất đi một phần hoặc hoàn toàn khả năng nhìn nên học sinh khiếm thị không thể lường trước được những gì phía trước mặt mình, những gì có thể gây nguy hiểm cho bản thân nếu như va phải trên đường di chuyển. Được luyện tập kỹ càng, thường xuyên bài tập này sẽ tạo cho trẻ sự tự tin, thói quen và sự tự chủ sử dụng các thế tay an toàn khi cần thiết.

5.2. Bài tập 2: Dò tường

Công dụng:

  • Lấy hướng đi song song với tường.
  • Duy trì được phương hướng đến mục tiêu mà không bị gián đoạn
  • Giúp học sinh khiếm thị có thể đi lại giữa các lớp, di chuyển từ lớp học đến các phòng chức năng khác trong trường một cách chính xác.

Tiến hành theo các bước sau:

  • Đứng song song cách mặt tường 20cm tại nơi xuất phát.
  • Cánh tay duỗi thẳng ngang tầm hông, lòng bàn tay hướng vào tường.
  • Các ngón tay co lại.
  • Tiến hành di chuyển trong khi tay dò tường di chuyển theo cho đến mục tiêu.

Lưu ý: Với bài tập này, luôn luôn phải áp dụng cùng lúc với bài tập sử dụng các thế tay an toàn để tránh những chướng ngại vật ngang tầm ngực như: cánh cửa sổ mờ,cánh cửa lớn mở lơ lửng.

Thực hành:

  • Yêu cầu học sinh sử dụng kĩ năng dò tường để đi xung quanh lớp học
  • Di chuyển từ lớp 1A đến lớp 2.

Hình ảnh Học sinh khiếm thị đang thực hiện bài tập “Dò tường”.

  • Lưu ý khi thực hiện các bài tập:
  • Lớp học rộng thoáng
  • Trẻ vui vẻ, mạnh khoẻ
  • Tường nhà sach, trơn, không sần sùi, không có vật cản
  • Có ít nhất hai người hướng dẫn đảm bảo an toàn cho trẻ

7. Trò chơi củng cố: Vượt chướng ngại vật

Cách chơi:

  • Bố trí những chiếc ghế nhỏ sát tường,cách nhau 30-40 cm, theo hàng dọc. Khoảng 5 ghế
  • Trẻ sử dụng kĩ năng dò tường và tư thế tay an toàn đi từ vạch xuất phát đến điểm đích(nơi người hướng dẫn đứng).
  • Bạn nào đi vượt qua dc chứơng ngại vật trong thời gian nhanh nhất và không bị ngã sẽ là người chiến thắng được tặng quà.
  • Có thể kết hợp tiếng vỗ tay để trẻ đi đúng.

Trên đây Tingenz.com đã chia sẻ một vài bài tập, trò chơi giúp trẻ khiếm thị rèn luyện giác quan xúc giác trong khi di chuyển. Các bài tập đã được áp dụng vào thực tế và đạt hiệu quả cao. Mong rằng các giáo viên, phụ huynh có thể tham khảo áp dụng cho bé khiếm thị của mình thật hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *